Tổng quan tình hình ngành thủy sản tại Việt Nam
Ngành thủy sản đang là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn tại Việt Nam. Do đó, Nhà nước luôn chú trọng trong việc phát triển quy mô nuôi trồng thủy sản, nhằm mang thương hiệu thủy sản của Việt Nam không chỉ khẳng định vị thế trong nước mà còn vươn mình đến nhiều thị trường trên trên thế giới.
Dự báo trong tương lai, ngành thủy sản sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan. Do đó, để tiếp cận nhiều hơn với các đối tác quốc tế, việc vạch ra định hướng chiến lược xuất nhập khẩu là một điều hết sức cần thiết, giúp cho nhiều chủ hàng cũng như doanh nghiệp hiểu rõ hơn về thủ tục hải quan xuất khẩu mặt hàng thủy sản, góp phần đẩy mạnh quá trình giao thương diễn ra một cách nhanh chóng.
Các bước thực hiện quy trình thủ tục xuất khẩu thủy sản
Khi nhắc đến thủ tục xuất khẩu đối với mặt hàng thủy sản, quy trình cơ bản gồm:
Bước 1: Chuẩn bị và kiểm tra nguồn hàng thủy sản xuất khẩu
Doanh nghiệp cần kiểm tra mặt hàng thủy sản có nằm trong danh mục được cho phép xuất khẩu hay không trước khi tiến hành xuất khẩu.
Lô hàng thủy sản xuất khẩu cần được vận chuyển bằng container lạnh với nhiệt độ được bảo quản hợp lý, sử dụng thêm các vật phẩm hỗ trợ nhằm đảm bảo nhiệt độ ổn định suốt quá trình vận chuyển. Ngoài ra, lô hàng thủy sản cần được sắp xếp một cách cẩn thận, đảm bảo luồng khí lạnh được lưu thông và duy trì suốt chặng đường vận chuyển.
Bước 2: Kiểm tra bộ chứng từ xuất khẩu
Đơn vị cần tiến hành chuẩn bị đầy đủ giấy tờ để xuất khẩu lô hàng thủy sản. Các chứng từ xuất khẩu bắt buộc gồm có:
- Hợp đồng thương mại (Sales contract)
- Hóa đơn thương mại (Invoice)
- Phiếu đóng gói (Packing List)
- Vận đơn
- Tờ khai hải quan (nhận được sau khi đã truyền tờ khai thành công)
- Các giấy tờ liên quan khác
Riêng đối với mặt hàng thủy sản, ngoài những chứng từ thông thường, chủ hàng cần tiến hành đăng ký kiểm dịch động vật trước khi xuất khẩu.
Bước 3: Đăng ký kiểm dịch động vật cho lô hàng
Nộp hồ sơ đăng ký kiểm dịch
Phía xuất khẩu đến Cục Thú y để nộp hồ sơ đăng ký kiểm dịch cho mặt hàng thủy sản. Hồ sơ đăng ký kiểm dịch cho lô hàng gồm có:
- Đơn khai báo kiểm dịch (theo mẫu)
- Đối với động vật, sản phẩm động vật thủy sản thuộc đối tượng quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan khác, phải nộp văn bản hoặc giấy phép theo quy định
- Yêu cầu về kiểm dịch của nước nhập khẩu (nếu có)
- Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh của cơ sở nuôi thủy sản nơi xuất xứ của thủy sản để sản xuất lô hàng (nếu có)
- Các giấy tờ liên quan khác tùy vào mặt hàng thủy sản xuất khẩu thực tế
Các cán bộ trong Cục Thú y tiến hành kiểm tra số lượng, chủng loại, lấy mẫu sản phẩm xét nghiệm,… .của mẫu mặt hàng thủy sản đã nộp.
Thời gian cấp giấy chứng nhận kiểm dịch
Thời gian cấp giấy chứng nhận kiểm dịch được quy định như sau:
- Đối với lô sản phẩm động vật thủy sản phải lấy mẫu kiểm tra: trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ khi bắt đầu kiểm dịch, cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu đối với sản phẩm thủy sản đạt yêu cầu để chủ hàng hoàn thiện thủ tục hải quan. Trường hợp kéo dài hơn 05 ngày làm việc thì cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu thông báo đến chủ hàng bằng văn bản và nêu rõ lý do;
- Đối với lô sản phẩm động vật thủy sản không phải lấy mẫu kiểm tra: trong thời gian 01 ngày làm việc, cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu sau khi kiểm tra hồ sơ đạt yêu cầu để chủ hàng hoàn thiện thủ tục hải quan;
Phía xuất khẩu căn cứ vào thời gian được ghi trên phiếu hẹn để đến Cục thú y nhận Giấy chứng nhận kiểm dịch.
Bước 4: Tiến hành thực hiện thủ tục khai báo hải quan
Sau khi chuẩn bị hoàn tất chứng từ, chủ hàng cần tiến hành khai báo hải quan điện tử. Lưu ý, người khai báo hải quan cần điền đầy đủ thông tin của mặt hàng xuất khẩu khi kê khai, tránh trường hợp sai sót vì sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình thông quan hàng hóa.
Nếu chưa có kinh nghiệm, chủ lô hàng cần sử dụng dịch vụ đại lý thủ tục hải quan bên ngoài. Từ đó khai báo được diễn ra an toàn và nhanh chóng, đồng thời tránh được các rủi ro.
Khi đã khai báo hoàn tất và tờ khai đã được truyền đi. Hệ thống sẽ cấp số tự động nếu các thông tin chính xác và đầy đủ. Phía nhập khẩu cần xác nhận lại các thông tin để chắc chắn không có lỗi sai sót.
Nộp thuế và các giấy tờ cần thiết tại chi cục hải quan như đã khai báo trên tờ khai. Tùy vào kết quả phân luồng mà lô hàng có phải kiểm tra thực tế hàng hóa không. Có 3 kết quả phân luồng, cụ thể:
- Đối với luồng xanh: Được miễn kiểm tra chi tiết hồ sơ, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa khi doanh nghiệp chấp hành tốt các quy định pháp luật hải quan,
- Đối với luồng vàng: hải quan sẽ miễn kiểm tra thực tế hàng hóa, nhưng kiểm tra chi tiết hồ sơ.
- Đối với luồng đỏ: Hải quan kiểm tra chi tiết hồ sơ và tiến hành kiểm tra chi tiết hàng hóa với các mức độ kiểm tra thực tế lô hàng.
Bước 5: Hoàn tất quá trình thông quan
Khi các hồ sơ được hải quan phê duyệt, nộp lại cho hãng tàu để hoàn tất quá trình. Như vậy, đơn vị đã hoàn tất quá trình thông quan xuất khẩu mặt hàng thủy sản.
Tổng kết
Trên đây là một số thông tin về thủ tục xuất khẩu hàng thuỷ sản sang thị trường quốc tế. Hãy theo dõi website của chúng tôi để mở rộng thêm nhiều kiến thức về xuất nhập khẩu nhé!
Xem thêm:
Hướng dẫn giấy phép xuất khẩu mặt hàng nông sản
Chuyển phát nhanh tài liệu từ Thái Lan về Việt Nam