Quy định về chứng nhận đối với thủy sản xuất khẩu

Quy định về chứng nhận đối với thủy sản xuất khẩu

Đối tượng áp dụng

Chương trình bao gồm các hoạt động thẩm định, cấp Chứng thư cho thực phẩm thủy sản xuất khẩu vào các quốc gia, vùng lãnh thổ mà Cơ quan thẩm quyền có yêu cầu Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản(NAFIQAD) thẩm định, cấp Chứng thư cho lô hàng xuất khẩu theo Danh mục quốc gia, vùng lãnh thổi nêu tại Phụ lục IX kèm theo Thông tư này.

Trong trường hợp có yêu cầu mới của thị trường nhập khẩu, NAFIQAD thông báo đến các tổ chức, cá nhân có liên quan và tổ chức thực hiện, đồng thời báo cáo Bộ NN&PTNT cập nhật Danh mục thị trường trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày nhận được văn bản quy định của Cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu.

Các cơ sở tham gia Chương trình phải đáp ứng các tiêu chí sau:

a) Đáp ứng các điều kiện bảo đảm ATTP của Việt Nam;

b) Đáp ứng quy định, quy chuẩn kỹ thuật về bảo đảm ATTP của nước nhập khẩu tương ứng.

Danh sách xuất khẩu

1. Theo quy định của quốc gia, vùng lãnh thổ nhập khẩu hoặc thỏa thuận với Cơ quan thẩm quyền của quốc gia, vùng lãnh thổ nhập khẩu, NAFIQAD lập và cập nhật Danh sách xuất khẩu theo từng thị trường đối với các Cơ sở đáp ứng đầy đủ các tiêu chí nêu tại khoản 3 Điều 20 Thông tư này.

2.Cơ sở bị đưa ra khỏi Danh sách xuất khẩu trong các trường hợp sau:

a) Cơ sở có văn bản đề nghị rút tên khỏi Danh sách xuất khẩu

b) Cơ sở không tiếp tục đáp ứng tiêu chí tham gia Chương trình chứng nhận thủy sản xuất khẩu theo quy định tại khoản 3 Điều 20 Thông tư này hoặc Cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu đề nghị đưa tên ra khỏi danh sách xuất khẩu tương ứng.

12 doanh nghiệp được xuất khẩu thủy sản vào thị trường Ả-rập Xê-út

Danh sách ưu tiên

1. Danh sách ưu tiên là danh sách các Cơ sở có lịch sử bảo đảm ATTP tốt (đáp ứng các tiêu chí nêu tại khoản 2 Điều này) và được áp dụng hình thức chứng nhận thủy sản xuất khẩu theo quy định tại Mục 2 Chương này.

Dẫn chiếu đến Mục 2 Chương 3 Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT, danh sách ưu tiên được hiểu là danh sách tổng hợp các cơ sở sản xuất thủy sản có lịch sử bảo đảm an toàn thực phẩm tốt.

Theo đó, các cơ sở sản xuất có tên trong danh sách ưu tiên sẽ được áp dụng các hình thức chứng nhận thủy sản xuất khẩu liên quan đến cấp chứng thư cho lô hàng xuất khẩu sản xuất.

Dựa theo nội dung được quy định tại khoản 2 Điều 22 Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT được sửa đổi bởi khoản 19 Điều 2 Thông tư 32/2022/TT-BNNPTNT, tính đến thời điểm xem xét lập danh sách, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản lập danh sách ưu tiên đối với các Cơ sở đáp ứng đầy đủ các tiêu chí sau đây:

– Cơ sở có tên trong Danh sách xuất khẩu;

– Cơ sở được phân loại điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm hạng 1, hạng 2;

– Có ít nhất 5 lô hàng xuất khẩu và không bị Cơ quan thẩm quyền của Việt Nam hoặc thị trường nhập khẩu phát hiện vi phạm về an toàn thực phẩm trong thời gian tối thiểu 03 tháng kể từ ngày được xếp hạng 1, 2.

Như vậy, nếu cơ sở sản xuất thủy sản có đủ 03 tiêu chí nêu trên tính đến thời điểm xem xét lập danh sách thì sẽ được có mặt tại danh sách ưu tiên.

Hình thức chứng nhận đối với lô hàng xuất khẩu

Theo quy định tại Điều 23 Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT quy định về kiểm tra, chứng nhận an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu thì:

1. Đối với lô hàng xuất khẩu được sản xuất tại Cơ sở trong Danh sách ưu tiên:

a) Cơ quan kiểm tra, chứng nhận cấp Chứng thư dựa trên kết quả lấy mẫu thẩm tra hiệu quả kiểm soát mối nguy ATTP theo thủ tục nêu tại Mục 2 Chương này.

b) Trường hợp Cơ sở đề nghị kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm từng lô hàng xuất khẩu, Cơ quan kiểm tra, chứng nhận thực hiện theo thủ tục nêu tại Mục 3 Chương này.

2. Đối với lô hàng xuất khẩu được sản xuất tại Cơ sở ngoài Danh sách ưu tiên: Cơ quan kiểm tra, chứng nhận cấp Chứng thư dựa trên kết quả kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm từng lô hàng xuất khẩu theo thủ tục nêu tại Mục 3 Chương này.

Thủy sản lấy lại đà cân bằng để đẩy mạnh xuất khẩu

Yêu cầu đối với sản phẩm xuất khẩu

1. Được sản xuất tại Cơ sở có tên trong danh sách các Cơ sở tham gia chương trình chứng nhận xuất khẩu theo từng thị trường.

2. Đáp ứng các quy định về ghi nhãn các thông tin bắt buộc theo quy định của thị trường nhập khẩu, không làm sai lệch bản chất của hàng hóa và không vi phạm pháp luật Việt Nam.

3. Đối với sản phẩm được sơ chế, chế biến từ các Cơ sở khác nhau:

a) Cơ sở thực hiện công đoạn sản xuất cuối cùng (bao gói, ghi nhãn sản phẩm) phải có tên trong danh sách các Cơ sở tham gia chương trình chứng nhận xuất khẩu theo từng thị trường.

b) Cơ sở thực hiện các công đoạn sản xuất trước đó phải đáp ứng các quy định về điều kiện bảo đảm ATTP của Việt Nam và thị trường nhập khẩu tương ứng

c) Các Cơ sở tham gia sơ chế, chế biến lô hàng có văn bản cam kết cùng chịu trách nhiệm thực hiện các biện pháp xử lý của Cơ quan thẩm định trong trường hợp lô hàng bị Cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu cảnh báo hoặc Cơ quan thẩm định phát hiện có vi phạm về ATTP

Các cơ sở tham gia sản xuất lô hàng có trách nhiệm lưu giữ đầy đủ hồ sơ sản xuất và kiểm soát ATTP đối với các công đoạn sản xuất do Cơ sở thực hiện, bảo đảm khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm.