Mã HS Code là gì? Cách tra cứu HS Code xuất nhập khẩu chính xác

Mã HS Code là gì? Cách tra cứu HS Code xuất nhập khẩu chính xác

1.Mã HS Code Là Gì?

Mã HS là viết tắt của Harmonized Commodity Description and Coding System. Là hệ thống mã hóa và mô tả hàng hóa hoặc gọi đơn giản là một danh pháp sản phẩm quốc tế đa năng được phát triển bởi Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO)

Có thể nói HS Code là ngôn ngữ, tên sản phẩm được mã hóa thành một dãy số (thường là 8 số hoặc 10 số) từ đó cả thế giới dùng chung mã số này để mô tả hàng hóa. Giúp cho người mua và người bán thống nhất chung về tên sản phẩm, tính chất, tác dụng và phân loại sản phẩm…

2.Vai Trò Của Mã HS Trong Xuất Nhập Khẩu

Việc thể hiện hàng hóa bằng HS code gồm 8 số hoặc 10 số giúp cho tất cả các nước trên thế giới có thể phân loại hàng hóa một cách hệ thống và thống nhất. Việc tạo ra hệ thống thuật ngữ và ngôn ngữ hải quan giúp cho các bên (bên mua và bên bán) dễ hiểu, tránh việc tranh chấp thương mại cho phân loại sai hàng hóa vì ngôn ngữ địa phương.

Ngoài ra, việc thống nhất phân loại hàng hóa theo mã HS code còn giúp đơn giản hóa công việc của các tổ chức, cá nhân có liên quan; việc đàm phán và thực hiện các hiệp ước thương mại thuận lợi hơn.

Bên cạnh đó, mã HS còn là cơ sở để các tổ chức liên quan (cơ quan hải quan, cơ quan thuế, phòng thương mại) cấp phép hàng hóa được xuất nhập khẩu hay không? Mã HS xác định các loại hàng hóa xuất, nhập khẩu để tổ chức tiện lợi trong việc thực hiện áp thuế, thu thuế, đồng thời có thể thống kê được thương mại trong nước và xuất nhập khẩu.

3.Cấu trúc của HS Code 

– Hệ thống HS code gồm 3 phần

+ Các quy tắc tổng quát giải thích việc phân loại hàng hóa theo HS

+ Chú giải phần, chương, phân nhóm

+ Danh sách những Nhóm hàng (mã 4 chữ số) và phân nhóm hàng (mã 6 chữ số) được đặt ngay sau chú giải từng phần, chương, nhóm và phân nhóm tương ứng.

Trong đó, cụ thể là:

– Phần: Trong mã HS Code có đến 22 phần, mỗi phần sẽ có 1 chú giải riêng

– Chương: được quy định là 2 số đầu trong mã, mô tả tổng quát về loại hàng hóa. Tổng cộng theo quy định có 97 chương quốc tế. Chương 98 và 99 là dành cho các quốc gia, mỗi chương sẽ có chú giải chi tiết.

– Nhóm: Bao gồm 2 ký tự sau chương, thể hiện phân loại nhóm sản phẩm

– Phân nhóm: Bao gồm 2 ký tự sau nhóm, thể hiện phân nhóm chi tiết dưới nhóm

– Phân nhóm phụ: các ký tự sau cùng thể hiện phân nhóm phụ do mỗi quốc gia quy định.

Ví dụ về một mã HS Code là: 65061010. Khi nhìn vào mã HS code, hoàn toàn có thể lấy được các thông tin sau:

– 65: Thể hiện Chương – Mũ, các vật đội đầu khác cùng bộ phận của chúng

– 06: Thể hiện Nhóm – Mũ, các vật đội đầu khác, đã hoặc chưa lót hoặc trang trí

– 10: Thể hiện Phân nhóm – Mũ bảo hộ

– 10: Thể hiện Phân nhóm phụ của Quốc gia

4.Cách tra cứu mã HS Code chính xác

4.1.Các quy tắc cần lưu ý khi tra cứu mã HS Code

Dưới đây là 6 quy tắc tra mã HS Code. Khi tra mã HS Code, quý bạn đọc đi lần lượt từ quy tắc 1 đến quy tắc 6 theo thứ tự ưu tiên tăng dần. Nội dung 6 quy tắc như sau:

Quy tắc 1: Chú giải chương & Tên định danh

Tên các phần, chương và phân chương không có giá trị pháp lý trong việc phân loại hàng hóa. Chúng chỉ có vai trò trong việc định hình loại hàng này nằm ở phần nào chương nào. Vì tên gọi của phần, chương và phân chương không thể diễn giải hết tất cả các sản phẩm trong đó. Cho nên chúng ta cần phải căn cứ vào chú giải và phân nhóm.

Chú giải của từng chương mang yếu tố quyết định nhất đến phân loại hàng trong chương đó và có giá trị xuyên suốt trong tất cả các quy tắc còn lại. Vì vậy khi tra cứu HS Code cần phải kiểm tra chú giải của phần, chương mà ta định áp mã sản phẩm vào.

Quy tắc 2: Sản phẩm chưa hoàn thiện & hợp chất cùng nhóm

Quy tắc 2a: Sản phẩm chưa hoàn thiện

Một mặt hàng chưa hoàn chỉnh, chưa hoàn thiện, thiếu một vài bộ phận nhưng có đặt tính và công dụng như sản phẩm hoàn thiện thì được áp mã theo sản phẩm đã hoàn thiện.

Quy tắc 2b: Hỗn hợp và hợp chất của các nguyên liệu hoặc các chất

Quy tắc này chỉ áp dụng với sản phẩm là hỗn hợp của nguyên liệu và chất liệu. Hỗn hợp và hợp chất của nguyên liệu hoặc chất thuộc cùng 1 nhóm thì phân loại trong nhóm đó. Hỗn hợp và hợp chất của nguyên liệu hoặc chất thuộc các nhóm nhác nhau thì áp mã hỗn hợp đó theo chất cơ bản nhất của hỗn hợp.

Quy tắc 3: Hàng hóa thoạt nhìn nằm ở nhiều nhóm

Quy tắc 3a: Hàng hóa được mô tả ở nhiều nhóm thì nhóm nào có mô tả cụ thể nhất sẽ được ưu tiên hơn các nhóm có mô tả khái quát.

Quy tắc 3b: Hàng hóa được cấu thành từ nhiều sản phẩm, mỗi sản phẩm có thể thuộc nhiều nhóm nhiều chương khác nhau. Vì vậy việc phân loại bộ sản phẩm đó vào sản phẩm mang đặt tính tính nhất của bộ đó.

Quy tắc 3c: Khi không áp dụng được quy tắc 3(a) hoặc 3(b), hàng hóa sẽ được phân loại theo Qui tắc 3(c). Theo quy tắc này thì hàng hóa sẽ được phân loại vào nhóm có thứ tự sau cùng trong số các nhóm cùng được xem xét để phân loại.

Quy tắc 4: Phân loại theo hàng hóa giống chúng nhất

So sánh hàng hóa định phân loại với hàng hóa đã được phân loại trước đó. Xác định hàng hóa giống nhau có thể dựa trên nhiều yếu tố: như mô tả, đặc điểm, tính chất, mục đích sử dụng của hàng hóa…. Hàng hóa sau khi đã so sánh sẽ được xếp trong nhóm của hàng hóa giống chúng nhất.

Quy tắc 5: Hộp đựng, bao bì

Quy tắc 5a: Hộp, túi, bao và các loại bao bì chứa đựng tương tự

Các loại bao hộp tương tự, thích hợp hoặc có hình dạng đặc biệt để chứa hàng hóa hoặc bộ hàng hóa xác định. Có thể dùng trong thời gian dài và đi kèm với sản phẩm khi bán, được phân loại cùng với những sản phẩm này. Tuy nhiên, nguyên tắc này không được áp dụng đối với bao bì mang tính chất cơ bản nổi trội hơn so với hàng hóa mà nó chứa đựng.

Quy tắc 5b: Bao bì

Quy tắc này qui định việc phân loại bao bì thường được dùng để đóng gói chứa đựng hàng hóa, được nhập cùng với hàng (như cái túi nilon, hộp carton…). Tuy nhiên, Quy tắc này không áp dụng cho bao bì bằng kim loại có thể dùng lặp lại.

Quy tắc 6: Giải thích cách phân loại và so sánh cho đúng.

Việc phân loại hàng hóa vào các phân nhóm của một nhóm phải phù hợp theo nội dung của từng phân nhó. Phù hợp các chú giải phân nhóm, phù hợp với chú giải của chương có liên quan. Khi so sánh  sản phẩm ở các nhóm hoặc các phân nhóm khác nhau thì phải so sánh cùng cấp độ.

4.2. Các bước để tra cứu mã HS Code

Dưới đây là 2 cách mà bạn đọc có thể tham khảo để tra cứu mã HS Code chính xác nhất.

– Cách 1: Tra cứu dựa trên website:

+ Thông qua website chính thức của Hải quan Việt Nam:

http://customs.gov.vn/sitepages/Tariff.aspx

+ Thông qua website tra cứu hs code quốc tế:

https://www.exportgenius.in/hs-code

Đối với cách tra cứumã HS Code  là cách chính thống và đảm bảo chính xác 100%. Tuy nhiên ưu tiên cho dành cho các ai đã có kinh nghiệm, am hiểu thông tin.

– Cách 2: Thông qua biểu thuế xuất nhập khẩu hàng hóa. Thông qua file biểu mẫu thuế, quý khách có thể sử dụng nhập những từ khóa về hàng hóa liên quan; tìm kiếm và tra cứu các mã HS Code phù hợp theo mô tả, chủng loại hàng.